Hoạt động chuyên môn

Trường Chuyên biệt khiếm thính Hy Vọng Bình Thạnh với đối tượng là học sinh khiếm thính và có khó khăn về trí tuệ  nên chương trình học của học sinh được chia theo nhiều cấp bậc, lượng thời gian được phân bổ khác nhau để phù hợp với khả năng của học sinh. Các lứa tuổi được phân bổ như sau:

1. Can thiệp sớm: Dành cho trẻ < 3 tuổi.

Giáo viên làm việc cá nhân với trẻ và phụ huynh từ 1,5 giờ đến 2 giờ/ tuần. Giáo viên hướng dẫn cho phụ huynh cách chơi, giao tiếp với trẻ, giúp trẻ phát triển kĩ năng nghe/nói thông qua việc đeo máy nghe/cấy ốc tai điện tử, cung cấp những thông tin cần thiết trong giai đoạn tiền học đường, giai đoạn vàng của trẻ.

2. Khối mầm non: Dành cho trẻ ≥ 3 tuổi (Chương trình học được phân bổ trong 3 năm).

Bao gồm các hoạt động: Luyện phát âm, luyện nghe nói theo cá nhân hoặc nhóm với các hoạt động:

  • Hội thoại

  • Kể chuyện, múa hát

  • Tập vẽ

  • Tập viết

  • Tập làm toán

  • Thể dục

  • Vui chơi qua các góc gia đình, góc bác sĩ, góc bán hàng, góc xây dựng, góc xâu xỏ, ….. để phát triển các kĩ năng giao tiếp, vận động tinh và vận động thô, ….

3. Khối tiểu học: Dành cho trẻ ≥ 6 tuổi (Chương trình học được phân bổ trong 10 năm – 2 năm/1 lớp).

  • Chương trình giảng dạy dựa trên chương trình giảng dạy của bộ giáo dục dành cho trẻ khiếm thính phối hợp với chương trình giáo dục phổ thông bình thường. Tùy theo đối tượng học sinh của từng lớp, giáo viên linh động điều chỉnh để phù hợp với khả năng của học sinh, cho học sinh sử dụng sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông bình thường để học. Phương pháp giảng dạy theo tiêu chí dùng phương pháp tổng hợp: kết hợp nghe, nói, điệu bộ, cử chỉ, dấu hiệu, chữ cái ngón tay, nhìn hình miệng, đọc viết, … Tất cả học sinh được yêu cầu phải trang bị máy nghe hoặc cấy ốc tai điện tử để có thể sử dụng sức nghe còn lại trong việc tiếp nhận kiến thức, phát triển các kĩ năng và giao tiếp.

  • Các môn học bao gồm: Tiếng Việt (luyện nghe, nói, đọc, chính tả, tập viết, TLV), Toán, TNXH, Khoa học, Sử, Địa, Đạo đức, Kĩ thuật, Mỹ thuật, Thể dục, Vi tính.

  • Các môn năng khiếu: Cờ vua, vẽ, múa, võ thuật.

  • Các hoạt động ngoại khóa: Nấu ăn, làm bánh, dã ngoại tham quan, làm vệ sinh trường, tổ chức tiệc trong các ngày lễ 8/3, 18/4, 20/11, 3/12, …

4. Khối THCS:  Dành cho trẻ ≥ 16 tuổi. Khi học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học. (Chương trình học được phân bổ trong 4 năm).

Chương trình học dựa vào chương trình giáo dục thường xuyên. Bao gồm các môn học: Ngữ văn, Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, GDCD, Vi tính, Anh văn.

Ở giai đoạn này các em đã có một lượng kiến thức cơ bản từ tiểu học, tiếp thu nhanh hơn tuy nhiên vẫn còn hạn chế về tư duy ngôn ngữ nên môn Ngữ Văn có giới hạn về bài giảng và hạn chế về mục đích yêu cầu của từng bài. Môn Anh văn các em học theo chương trình Let’s go 1, 2, 3, 4.

Ngoài ra nhà trường đẩy mạnh các môn năng khiếu để định hướng nghề nghiệp như: Tin học văn phòng, đồ họa, sửa chữa máy tính, vẽ, …..

Tạo nhóm CLB để học sinh có cơ hội giao lưu, chia sẻ, sinh hoạt với các học sinh, sinh viên ở các trường tiểu học – PTCS – PTTH – ĐH để các em có cơ hội giao tiếp, tự tin hơn trong cuộc sống.

Tổ chức các chuyên đề: Sức khỏe sinh sản, giới tính, luật giao thông, luật cho người khuyết tật, HIV, ma túy, ……. để các em cập nhật thêm những thông tin trong xã hội, có ý thức trách nhiệm hơn trong cuộc sống.